Xử lý khi diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ

0
135
5/5 - (1 bình chọn)

Diện tích thực tế nhỏ hoặc lớn hơn so với Sổ đỏ khá phổ biến, mà nguyên nhân chủ yếu là do đo đạc bằng tay hoặc do lấn, chiếm. Dưới đây là cách xử lý khi diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ. 

Xử lý khi diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Diện tích thực tế khác với Sổ đỏ có ảnh hưởng gì?

Với người được miễn thuế, tiền sử dụng đất thì diện tích thực tế nhỏ hoặc lớn hơn diện tích trong Sổ đỏ thì không ảnh hưởng nhiều đến quyền, nghĩa vụ của họ. Tuy nhiên, với người phải nộp thuế sử dụng đất (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) hoặc khi chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất thường gặp phải những vấn đề sau:

Phải đóng nhiều tiền hơn trong quá trình sử dụng đất

Khi sử dụng đất thì phải nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp hoặc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tùy vào từng loại đất. Nếu diện tích thực tế nhỏ hơn trong Sổ đỏ nhưng nộp thuế thì tính theo diện tích trong Sổ (nộp nhiều hơn).

Có thể dẫn tới tranh chấp khi chuyển nhượng

Thông thường khi chuyển nhượng đất có 02 phương thức tính giá gồm: Giá tính theo thửa hoặc giá tính theo m2. Mặt khác, không phải ai khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng tuân thủ quy định về đăng ký biến động đất đai (sang tên Sổ đỏ) tại cơ quan Nhà nước nên sẽ không được đo đạc lại.

Khi chuyển nhượng xong vì không tự đo đạc trước hoặc do thỏa thuận giá theo thửa nên thường xảy ra tranh chấp nếu diện tích thực tế nhỏ hơn so với Sổ đỏ.

Diện tích thực tế nhiều hơn nhưng không được cấp Sổ đỏ

Giá trị của thửa đất có Sổ đỏ lớn hơn rất nhiều so với thửa đất không được cấp Sổ đỏ. Nếu diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong Sổ đỏ nhưng không được chứng nhận thì người sử dụng đất sẽ mất quyền, lợi ích của mình, nhất là khi chuyển nhượng (bán).

Cách xử lý khi diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ

Khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai 2013 quy định:

Trường hợp có sự chênh lệch diện tích giữa số liệu đo đạc thực tế với số liệu ghi trên giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này hoặc Giấy chứng nhận đã cấp mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì khi cấp hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích đất được xác định theo số liệu đo đạc thực tế. Người sử dụng đất không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chênh lệch nhiều hơn nếu có.

Trường hợp đo đạc lại mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất và diện tích đất đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn (nếu có) được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 99 của Luật này”.

Theo quy định trên, diện tích thực tế khác với diện tích trong Sổ đỏ thuộc một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Diện tích thực tế nhỏ hơn diện tích trong Sổ đỏ

Trường hợp diện tích đo đạc thực tế nhỏ hơn so với:

– Sổ đỏ (trường hợp đã được cấp Sổ đỏ);

– So với giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 (trường hợp đủ điều kiện cấp nhưng chưa được cấp Sổ đỏ), cụ thể:

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất;

+ Bản án, quyết định của tòa án;

+ Quyết định thi hành án;

+ Quyết định công nhận hòa giải thành;

+ Quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo;

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014.

=> Khi cấp Sổ đỏ lần đầu hoặc cấp đổi Sổ đỏ thì công nhận theo diện tích thực tế.

Trường hợp 2: Diện tích thực tế lớn hơn diện tích trong Sổ đỏ

– Diện tích thực tế lớn hơn so với Sổ đỏ hoặc giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 mà ranh giới thửa đất đang sử dụng không thay đổi so với ranh giới tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề thì được công nhận theo diện tích thực tế và không phải nộp tiền sử dụng đất.

– Diện tích thực tế lớn hơn so với giấy tờ về quyền sử dụng đất mà ranh giới thửa đất có thay đổi so với ranh giới tại thời điểm có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phần diện tích chênh lệch nhiều hơn được xem xét cấp Sổ đỏ.

Theo quy định khi phát hiện diện tích thực tế khác với Sổ đỏ, người sử dụng đất có quyền yêu cầu cấp đổi Sổ đỏ theo thủ tục sau:

Thủ tục cấp đổi Sổ đỏ

Theo điểm c khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP khi đo đạc xác định lại diện tích thì được cấp đổi Sổ đỏ theo thủ tục dưới đây:

1. Chuẩn bị hồ sơ

– Đơn đề nghị cấp đổi Sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK;

– Bản gốc Sổ đỏ đã cấp;

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ thì xuất trình thêm chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân.

2. Trình tự thực hiện

Bước 1. Nộp hồ sơ

– Nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc Bộ phận một cửa với nơi đã tổ chức Bộ phận một cửa.

Nơi chưa tổ chức Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.

– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi có đất nếu có nhu cầu.

Bước 2. Tiếp nhận hồ sơ

– Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trao Phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ.

Bước 3. Giải quyết

Bước 4. Trả kết quả

Thời hạn giải quyết

– Không quá 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 17 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

– Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã.

Kết luận:

– Diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ thì được công nhận theo diện tích thực tế nếu diện tích chênh lệch đó không phải do thay đổi ranh giới thửa đất.

– Diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ do thay đổi ranh giới thửa đất thì không được cấp Sổ đỏ với diện tích đó (vì do lấn, chiếm), chỉ được xem xét cấp Sổ đỏ nếu diện tích thực tế khác với giấy tờ về quyền sử dụng đất.

(Diện tích thực tế khác với Sổ đỏ, giấy tờ về quyền sử dụng đất mà do lỗi của cơ quan Nhà nước thì được công nhận, nếu do lỗi của người sử dụng đất thì chỉ được xem xét cấp Sổ đỏ, nếu đã có Sổ đỏ mà có hành vi thay đổi ranh giới như lấn, chiếm thì bị xử lý).

– Khi người dân phát hiện diện tích thực tế khác so với Sổ đỏ thì có quyền đề nghị cấp đổi Sổ đỏ.

Xem thêm: Các trường hợp phải sang tên sổ đỏ 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây