Đất xen kẹt và những điều cần biết

0
140
Đánh giá

So với đất thổ cư, giá đất xen kẹt thường rẻ hơn một nửa nên có không ít lời đồn hấp dẫn về loại bất động sản này. Thế nhưng, đất xen kẹt thực chất là đất gì, giá trị pháp lý ra sao và có đáng để đầu tư lại là điều mà không phải ai cũng biết.

đất xen ket
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực bất động sản, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Đất Xen kẹt là gì?

Theo Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại thành 03 nhóm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Mỗi nhóm đất có từng loại đất cụ thể nhưng không có loại đất nào có tên gọi là đất xen kẹt.

Đất xen kẹt là thuật ngữ do người mua và người bán loại đất này tự đặt tên, còn trong luật định không có khái niệm đó. Trên thực tế, đất xen kẹt là đất vườn, đất nông nghiệp (chưa được công nhận là đất ở) nằm trong khu dân cư, hoặc đất dư sau quy hoạch (chưa ra được sổ đỏ để thành đất ở). Ví dụ: Đất vườn, ao liền kề với đất ở; đất vườn, ao xen kẹt trong khu dân cư; đất nông nghiệp được giao nằm xen kẹt trong khu dân cư.

Do nằm xen kẹt trong các khu dân cư nên những mảnh đất nông nghiệp này thường có diện tích không lớn, chỉ khoảng 30 – 50m2. Tuy nhiên, chính sự phát triển của các khu đô thị mới, dự án hạ tầng giao thông khiến diện tích đất canh tác bị thu hồi, đồng ruộng chia cắt và tạo ra ngày càng nhiều khu đất xen kẹt.

Đất xen kẹt có được cấp sổ đỏ không?

Về mặt pháp lý, đất xen kẹt được xác định là đất nông nghiệp, không được phép xây dựng nên không được cấp sổ đỏ, việc chuyển nhượng chỉ thông qua giấy tờ viết tay. Vì vậy, giá của những khu đất này thường rẻ hơn hẳn đất thổ cư, khiến nhiều khách hàng thi nhau mua dù chưa tìm hiểu kỹ.

Thực tế vẫn có một số trường hợp đặc biệt được xem xét cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt. Khi đó người mua phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

i) Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất

ii) Phương án sản xuất kinh doanh (trường hợp chuyển đổi đất sang mặt bằng sản xuất kinh doanh)

iii) Bản sao giấy chứng nhận hoặc giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng thửa đất (nếu có)

iv) Bản sao hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân người xin chuyển mục đích sử dụng đất

v) Văn bản cam kết

Điều kiện chuyển đổi đất xen kẹt

Hiện nay, không phải đất xen kẹt nào cũng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng chỉ thực hiện được nếu thỏa mãn 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, thửa đất đó không thuộc diện vi phạm quy hoạch, lấn chiếm hoặc sử dụng cho mục đích công cộng; đất nông nghiệp do hợp tác xã và các tổ chức đang quản lý giao cho các hộ gia đình xã viên sử dụng.

Thứ hai, thửa đất đó hiện đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện; có diện tích đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở (tùy thuộc vào mỗi địa phương/ tỉnh/ thành nơi có đất quy định)

Thứ ba, hộ gia đình, cá nhân xin chuyển mục đích sử dụng đất phải là người chấp hành tốt pháp luật về đất đai ở địa phương, có văn bản cam kết bàn giao cho các tổ chức quản lý chuyên ngành phần diện tích nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng, đê, kênh mương, di tích lịch sử văn hóa, công trình an ninh quốc gia, thác lũ; bàn giao cho UBND xã phường, thị trấn diện tích nằm trong phạm vi chỉ giới mở đường quy hoạch, lối đi chung; nộp nghĩa vụ tài chính khi được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đất xen kẹt có được bồi thường khi bị thu hồi không?

Cho đến nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định hệ số bồi thường cho đất xen kẹt khi bị thu hồi, mà chỉ thực hiện theo hình thức hỗ trợ. Vì vậy, nếu thửa đất xen kẹt bạn mua đủ điều kiện để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, thì người mua cần nhanh chóng liên hệ với UBND xã/phường và Phòng Tài nguyên và Môi trường của quận/huyện để được hướng dẫn thủ tục chuyển đổi. Tránh trường hợp đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng thì khi bị thu hồi sẽ không được bồi thường theo khung giá đất được ban hành.

 Những rủi ro cần đề phòng khi mua đất xen kẹt

Đất xen kẹt bề ngoài thì hấp dẫn, nhưng bên trong lại tiềm ẩn muôn vàn rủi ro, không cẩn thận thì nhà đầu tư rất dễ mất trắng. Một khi đã quyết định mua, nhà đầu tư nên xem xét kỹ những điều sau:

Thứ nhất, tìm hiểu thông tin quy hoạch và chủ sở hữu tại cơ quan chức năng địa phương.

Thứ hai, làm hợp đồng mua bán bằng văn bản, có đầy đủ chữ ký của 2 bên và nên có thêm xác nhận của bên thứ 3 để đề phòng trường hợp xảy ra kiện tụng về sau.

Thứ ba, đối với trường hợp đất có giấy chứng nhận quyền sở hữu, phải kiểm tra kỹ lưỡng và làm đúng các thủ tục mua bán.

Như vậy, dù giá bán rẻ nhưng việc mua đất tiềm ẩn rủi ro rất cao, người mua phải cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền vào loại hình này, đồng thời, tìm hiểu rõ thông tin nguồn gốc, giấy tờ thửa đất, quy định quy hoạch của địa phương tại nơi có đất để tránh thiệt thòi, tranh chấp sau này.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây