Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi hòa giải không thành?

0
175
Đánh giá

Theo quy định của pháp luật về đất đai, khi xảy ra tranh chấp về đất đai mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được, thì phải hòa giải tại Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi có đất. Khi hòa giải tranh chấp đất đai không thành tại Uỷ ban nhân dân cấp xã, tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện hoặc tại Tòa án nhân dân (TAND) cấp có thẩm quyền.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Cơ sở pháp lý

Luật Đất đai năm 2013;
Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi nghị định hướng dẫn Luật đất đai;
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi hòa giải không thành

Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai, khi hòa giải tranh chấp đất đai không thành tại UBND cấp xã thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ phụ thuộc vào trường hợp cụ thể.

Đối với tranh chấp mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành, mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sẽ thuộc về TAND.

Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.

Theo quy định tại Điều 35, 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, TAND cấp có thẩm quyền là TAND cấp huyện nơi có đất; riêng trường hợp tranh chấp có đương sự là người nước ngoài thì sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Đối với tranh chấp mà đương sự không có Giấy chứng nhận và giấy tờ về quyền sử dụng đất
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành, mà đương sự không có Giấy chứng nhận và giấy tờ về quyền sử dụng đất, thì có thể lựa chọn hình thức giải quyết:

Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền
Khởi kiện tại TAND cấp có thẩm quyền
Theo đó, UBND cấp có thẩm quyền là UBND cấp huyện khi tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; là UBND cấp tỉnh khi tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. TAND cấp có thẩm quyền được xác định như trên.

Trong trường hợp đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp huyện, thì có quyền khiếu nại đến UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định về tố tụng hành chính; không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại TAND theo quy định về tố tụng hành chính.

Thủ tục giải quyết khi hòa giải tranh chấp đất đai không thành

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai khi hòa giải không thành được quy định tại Điều 89, 90 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, theo đó:

Đối với tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, cấp tỉnh

  • Bước 1: Đương sự nộp đơn tại UBND cấp có thẩm quyền
  • Bước 2: Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cho cơ quan tham mưu giải quyết
  • Bước 3: Cơ quan tham mưu thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết (nếu cần), hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch UBND
  • Bước 4: Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp

Đối với tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường

  • Bước 1: Đương sự nộp đơn tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Bước 2: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết
  • Bước 3: Đơn vị tham mưu thu thập, nghiên cứu hồ sơ, tổ chức hòa giải, yêu cầu lập đoàn công tác tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương (nếu cần), hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Bước 4: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp

Thời hiệu quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành

Theo quy định tại Khoản 58 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp hoặc không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà các bên hoặc một trong các bên tranh chấp không có đơn gửi người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai lần hai thì quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu có hiệu lực thi hành.

Quy định về giải quyết tranh chấp lần hai

Trong trường hợp đã giải quyết tranh chấp mà một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết thì có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp lần hai. Việc giải quyết tranh chấp lần hai được quy định tại Khoản 58 Điều 2 Nghị định số 01/2017 như sau:

Nếu một trong các bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp lần hai thì phải gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp lần hai đến người có thẩm quyền
Thời hạn nộp đơn đề nghị giải quyết lần hai: không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp lần đầu; không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn
Thời hạn quyết định giải quyết tranh chấp lần hai có hiệu lực thi hành: không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tranh chấp lần hai; không quá 45 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  • Bài viết trong lĩnh vực pháp …. được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  • Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  • Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây